• Trang chủ
  • Giáo Dục
  • Cha mẹ tìm đủ cách oái oăm 'cai' điện thoại cho con, thực ra nên hiểu bản chất…
1824 lượt xem

Cha mẹ tìm đủ cách oái oăm 'cai' điện thoại cho con, thực ra nên hiểu bản chất 'căn bệnh'

Đau đầu không biết xử trí việc con 'nghiện' điện thoại như thế nào, nhiều bố mẹ đã nghĩ ra cách 'độc, lạ' khiến con nhìn thấy điện thoại là khóc thét.

Nghĩ đủ cách cai điện thoại cho con

Mới đây trên mạng xã hội chia sẻ câu chuyện một bà mẹ "trị bệnh" nghiện điện thoại cho con bằng cách khi cậu bé đi ngủ, bà mẹ liền bôi đen hết vùng mắt của con. Trước đó, bà mẹ đã nhiều lần cảnh báo con xem điện thoại nhiều sẽ bị thâm mắt, bị cận nhưng con không tin. Và khi ngủ dậy chứng kiến hai mắt thâm đen thì cậu bé đã bắt đầu sợ, không dám xem điện thoại nữa.

Nói về cách cai nghiện điện thoại, chị Lương Thị Hà (Bắc Ninh) chia sẻ, con gái chị 3,5 tuổi cũng rất thích xem điện thoại. Chị lo lắng không có cách gì để cai điện thoại cho con, dù dọa đủ kiểu nhưng con vẫn không biết sợ.

Chị Hà lên mạng thấy các mẹ chia sẻ bí quyết cai điện thoại cho con nên mày mò làm theo. Chị tải một hình ảnh ma cà rồng và cài đặt làm màn hình chờ của điện thoại. Mỗi lần sờ đến điện thoại bấm lên thấy ngay hình ảnh ma cà rồng khiến con chị Hà sợ quá ném điện thoại sang một bên.

Nhìn con thét lên đáng sợ mà bà mẹ cười như mở cờ trong bụng. Chị Hà kể mẹo này cũng khiến bé cai điện thoại 2 tháng qua. Tuy nhiên, khi sang bà nội hoặc bà ngoại bé vẫn lân la xin xem điện thoại vì điện thoại của hai bà không đáng sợ như của bố mẹ.

Chị Nguyễn Thu Phượng (quận Hà Đông, Hà Nội) cũng có tuyệt chiêu cai điện thoại cho con. Chị kể con gái lớn của chị học lớp 2 nhưng đã phải đeo kính loạn và cận rất nặng. Nhìn đôi mắt thơ ngay của con dại dần với cặp kính cận chị Phương không khỏi xót xa.

Cha mẹ tìm đủ cách oái oăm “cai” điện thoại cho con, thực ra nên hiểu bản chất 'căn bệnh'
Ảnh minh họa. 

Đối với bé Thỏ (4 tuổi), chị Phượng đã tìm đủ cách cai điện thoại cho con. Chị đã lên mạng tải các hình ảnh khóc ra máu với những cảnh báo về việc xem điện thoại dẫn tới chảy máu mắt, phải tiêm thẳng mũi tiêm vào mắt khiến Thỏ sợ hãi.

Việc đó khiến nhiều tháng nay cô bé không dám xem điện thoại, thi thoảng chỉ xem ti vi. Khi Thỏ không xem điện thoại thì việc quản giờ xem điện thoại cô chị của bé cũng dễ dàng hơn vì em không được xem đương nhiên chị cũng phải kiêng.

Cha mẹ cần gương mẫu trước 

Theo bác sĩ Nhi khoa Trương Hoàng Hưng – sống tại Texas, Hoa Kỳ thì công nghệ không gây hại nếu chúng được sử dụng cho mục đích phù hợp.

Hãy để điện thoại trở thành công cụ phục vụ cho các mục đích học tập và sáng tạo của trẻ, thay vì ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của con.

Tuy nhiên, hiện nay, trẻ con đang bị cơn đổ bộ của điện thoại. Các nghiên cứu chỉ ra rằng điện thoại có ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ.

Việc trẻ xem điện thoại cần có kiểm soát của phụ huynh. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiếp xúc với các thiết bị điện tử. Trẻ từ 2 đến 5 tuổi nên được giới hạn thời gian sử dụng tối đa trong 1 tiếng, tốt nhất nên có người lớn xem cùng.

Theo TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên - BV Nhi Trung ương, việc cai điện thoại cho trẻ rất khó và cần có thời gian.

Khi trẻ đã sợ điện thoại do bố mẹ đã áp dụng các cách khác nhau thì bố mẹ cần dành thời gian cho trẻ nhiều hơn. Bố mẹ cũng phải hạn chế điện thoại, trò chuyện với trẻ.

Đối với trẻ nhỏ, công việc chính của con là vui chơi. Nhờ các hoạt động vui chơi, trẻ gia tăng trải nghiệm và phát triển ở các lĩnh vực khác nhau như vận động, ngôn ngữ, nhận thức,…

Có thể thay thế điện thoại bằng các hoạt động như đọc sách, bơi lội, đi xe đạp, đi công viên, siêu thị,… Việc giữ trẻ tránh xa các thiết bị công nghệ trong hai hoặc ba tuần sẽ giúp các bậc cha mẹ nhận thấy sự khác biệt trong hành vi của con.

Bên cạnh việc dành thời gian chơi cùng con, cha mẹ lưu ý khuyến khích tương tác xã hội giữa con với bạn bè đồng trang lứa.

Nếu trẻ chỉ biết làm bạn với chiếc điện thoại thì lâu dần sẽ trở nên hạn chế giao tiếp, có những rối loạn hành vi như kích động hoặc lo âu, trầm cảm.

Với trẻ lớn cần có sự phân tích cho con về tác hại của điện thoại nếu xem quá nhiều. Cha mẹ cần nhận thức bản thân chính là người thầy cô tốt nhất của con cái, không nên vừa xem điện thoại vừa ăn cơm, ngồi cạnh con vẫn xem điện thoại.

Khánh Chi - Báo Infonet