708 lượt xem

Ông Thương 'khùng' và công ty 'nhặt rác'

Ông Thương "khùng", ông Thương "bao đồng", "Cty TNHH nhặt rác Nguyễn Thương"... là những tên gọi mà người dân Hội An (Quảng Nam) dành cho ông già nhặt rác không lương ở bờ biển Cửa Đại.

 

Ông Thương cần mẫn đi nhặt rác trên đường phố Hội An.

Ông Thương "khùng" lo chuyện bao đồng

Đó là ông Nguyễn Thương (1960, trú khối phố Phước Trạch, P. Cửa Đại, TP Hội An). Họ biết đến ông qua những cống hiến âm thầm suốt 4 năm qua. Mỗi ngày, cứ tầm 6-7 giờ sáng, ông Thương lại mặc chiếc áo lao động màu xanh bạc màu, đẩy chiếc xe cũ kĩ dọc bờ biển Cửa Đại. Trong vòng một đến hai tiếng, ông đi bộ trên đường, nhặt rác và nói chuyện với những người qua đường về chuyện xả rác.

Nhớ về câu chuyện đưa ông đến với công việc "bao đồng" này, ông Thương kể, 4 năm về trước, ông bị tai biến nên tai của ông bắt đầu điếc, tay chân bị tê liệt. Ông nằm viện gần nửa năm mà bệnh tình cũng không có tiến triển, gia đình đành đưa ông về nhà để chăm sóc. Không đầu hàng số phận, ông gắng gượng, miệt mài tập luyện để cải thiện sức khỏe, đi bộ tập thể dục mỗi buổi sáng. Trong những lần như thế, người "bạn" luôn luôn đồng hành cùng ông là 2 cái bao luôn được chứa đầy rác ở những nơi mà ông đi qua. "Lúc đó tui suy nghĩ là tại sao mình đi thể dục mình không nhặt rác luôn, vừa bảo vệ môi trường, vừa rèn luyện được sức khỏe", ông Thương nhớ lại.

Nhiều khách du lịch và người dân cảm thấy khó hiểu khi thấy ông lang thang trong đêm nhặt rác, có người coi ông là "khùng", rảnh việc, tuổi già không lo an thân còn đi làm những chuyện bao đồng. "Tui làm vì lương tâm chứ có khùng, điên chi đâu", ông Thương cười.

Nhớ lại khoảng thời gian khi chồng mình bị người ta đồn là bị khùng, nửa đêm mưa gió, lang thang đi nhặt rác, bà Lê Thị Bảy (vợ ông Thương) giọng nghèn nghẹn: "Lúc đó cô tủi thân lắm, cô khóc hoài. Mỗi lần cô đi làm về là có người bảo ông chồng cô ổng khùng, ổng điên, nửa đêm không ngủ, mưa gió mà đi lượm rác. Cô khuyên ổng miết, không cho ổng làm mấy cái nớ... nhưng mà ổng nói ổng đi làm cho khỏe trong người. Kệ họ, điên cũng được, tôi đi làm việc nghĩa cho xã hội chứ có làm cho ai đâu".

Bất chấp những lời đồn thổi, ông Thương vẫn lặng lẽ tiếp tục công việc mỗi đêm. Hiểu được tâm nguyện của ông, các con đã đồng ý và yêu cầu ông thay đổi giờ "làm việc" để bảo đảm được sức khỏe hơn. Rồi từ đó tầm 7 giờ đến 10 giờ mỗi ngày, ông Thương với 2 chiếc bao đầy ắp rác luôn rong ruổi trên mọi nẻo đường, làm việc "nghĩa" cho phố cổ.

Ông Thương bên chiếc xe mang thông điệp do chính ông nghĩ ra.

"Cty TNHH nhặt rác Nguyễn Thương"

Không đồ bảo hộ giống như những công nhân môi trường khác, với bộ đồ xanh đã sờn, chiếc mũ lưỡi trai ngả màu thời gian, chiếc xe kut kit vẫn lăn bánh trên mọi con đường cùng chủ nhân của nó.

Ngồi bên đường với chai nước trà trên tay, ông Thương kể: "Trong số rác thải bị vứt bừa bãi bên đường, có cả chai nhựa, lon bia tui gom lại bán lấy tiền để dành. Rồi tui nhặt được tiền họ rơi, một chục, hai chục... tui nhặt dồn lại được 600 nghìn đồng, rồi mua sắt về làm chiếc xe đẩy để nhặt rác cho được nhiều hơn".

Không chỉ đơn thuần là chiếc xe để chở rác, chiếc xe mới của ông Thương còn có thông điệp rõ ràng với hai dòng biểu ngữ "Vì tương lai con em chúng ta, hãy chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường xanh- sạch- đẹp", "Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn", "Hãy bảo vệ môi trường không sử dụng túi nilon, không vứt túi nilon ra nơi công cộng". Những thông điệp ấy được chính ông Thương nghĩ ra, đó như là những lời kêu gọi, nhắc nhở mọi người cùng chung tay cùng bảo vệ môi trường.

"Cty TNHH nhặt rác Nguyễn Thương" là tên gọi ví von của người dân Hội An dành cho người đàn ông nhặt rác mỗi khi được người khác hỏi thăm.

Ông Thương tâm sự: "Người dân ở đây họ thấy tui nhặt rác không công mà lại tích cực với có trách nhiệm như rứa, cái họ gọi tui như rứa thấy cũng vui. Nhiều người biết đến mình, nhiều anh em vệ sinh môi trường thấy mình thì vẫy tay chào, rồi dừng lại cho tui đổ rác, hàng xóm thấy mình thì cũng tự lại bỏ rác vào thùng... Mình làm việc tuy nhỏ mà cũng góp phần làm sạch môi trường thì vui lắm rồi".

Nặng tình với rác

Tuy sức khỏe đã giảm sút, hằng ngày phải mang máy trợ thính, hằng tháng phải tốn chục triệu đồng tiền thuốc men... nhưng ông Thương lại thẳng thắn từ chối đề nghị hỗ trợ từ UBND phường. Ông nói: "Tiền thì ai không ham, nhưng giờ tui chỉ cần chữ nghĩa thôi. Đây là việc nghĩa, mà tui đã hứa làm nên sẽ làm cho đến suốt cuộc đời cho đến khi nào không làm được nữa thì mới thôi. Ngày nào yui cũng sẽ đi, chỉ có ngày nào trở trời, nhức đầu, đi không nổi tui mới ở nhà. Một ngày mà không đi nhặt rác chán lắm. Cảm giác thiếu thiếu, vô vị".

Lãnh đạo UBND P. Cửa Đại cho biết, mặc dù bị bệnh nhưng ông Thương luôn nhiệt tình trong công tác bảo vệ môi trường. Xét hoàn cảnh gia đình, địa phương đã đề nghị hỗ trợ kinh phí nhưng ông đã từ chối.

HOÀI SƠN - Công An Đà Nẵng