Có rất nhiều người vẫn đang cùng lúc sử dụng CMND cũ và CCCD gắn chip vậy hãy nhớ điều này kẻo mất tiền oan.
Để chuẩn hóa thông tin nên nhiều người dân đã đi đổi CMND sang CCCD gắn chip. Về nguyên tắc sau khi bạn có CCCD gắn chip thì sẽ phải nộp lại CMND nhưng hiện nay vẫn có nhiều người giữa lại giấy tờ này. Bởi vậy, bạn cần phải lưu ý những vấn đề sau khi sử dụng 2 giấy tờ tùy thân cùng một lúc.
Dùng CMND cũ khi đã có CCCD gắn chip bị phạt đến 500.000 đồng
Khi công dân đổi CMND sang CCCD gắn chip, CMND cũ sẽ không còn giá trị sử dụng kể từ ngày người dân nhận được CCCD gắn chip. Khi thực hiện các giao dịch, thủ tục hành chính, nếu người dân vẫn cố tình sử dụng CMND cũ thì có thể bị phạt hành chính vì lỗi không thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 144 năm 2021, đối với hành vi này, mức phạt là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.
Có thể gặp tranh chấp khi dùng CMND hết hạn
Khi công dân làm CCCD gắn chip mới, CMND/CCCD cũ sẽ hết giá trị sử dụng. Số CMND và CCCD gắn chip cũng là hai số hoàn toàn khác nhau. Do đó, nếu sử dụng CMND cũ hết hiệu lực để tham gia các hợp đồng, giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính, người dùng có thể vướng vào các rủi ro pháp lý về sau.
Đơn cử như trường hợp hợp đồng đã ký sẽ bị vô hiệu do một trong các bên ký hợp đồng sử dụng CMND hết hiệu lực; gặp rắc rối khi không may xảy ra tranh chấp nhưng văn bản thỏa thuận lại không được công nhận do một bên sử dụng CMND hết hạn.
Chính vì thế, sau khi được cấp CCCD mới, người dân chỉ nên dùng duy nhất thẻ này trong tất cả các giao dịch, thủ tục để đảm báo thống nhất thông tin, tránh rủi ro, tranh chấp về sau. Thẻ CCCD gắn chip đã được tích hợp tất cả các thông tin về nhân thân cũng như số CMND cũ nên người dân có thể yên tâm sử dụng.
Một số giấy tờ cần sửa đổi, cập nhật khi đổi CMND sang CCCD
+ Thông tin tài khoản ngân hàng
Trong quá trình thực hiện các giao dịch tại ngân hàng, người dân phải xuất trình giấy tờ tùy thân còn hạn. Do đó, khi đã đổi CMND sang CCCD gắn chip, người dân cần cập ngay nhật số CCCD mới với ngân hàng.
Việc cập nhật thông tin tại ngân hàng được thực hiện khá đơn giản. Người dân chỉ cần mang theo giấy xác nhận số CMND 9 số hoặc CMND cũ, thẻ CCCD mới đến ngân hàng nơi mình mở tài khoản. Nhân viên giao dịch sẽ cung cấp một tờ khai, khách hàng điền đầy đủ thông tin được yêu cầu vào đó là sẽ được giải quyết.
+ Thông tin sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế
Sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH), thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) không thể hiện trực tiếp thông tin số CMND/CCCD và công dân không bắt buộc phải làm thủ tục đổi sổ BHXH, thẻ BHYT mới khi đổi từ CMND 9 số qua thẻ CCCD gắn chip 12 số.
Tuy nhiên, để thực hiện các thủ tục liên quan như tra cứu quá trình tham gia BHXH, hạn sử dụng BHYT… thì công dân cần cập nhật thông tin hồ sơ BHXH, thẻ BHYT.
+ Thông tin đăng ký thuế
Điều 36 Luật Quản lý thuế quy định người nộp thuế khi có thay đổi thông tin đăng ký thuế (bao gồm thông tin về số CMND, CCCD) thì phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Do đó, khi đổi từ CMND cũ sang CCCD gắn chip, người dân cần thực hiện thủ tục thay đổi thông tin đăng ký thuế.
+ Thông tin sổ đỏĐiểm a, khoản 1, Điều 5, Thông tư 23/2014 của Bộ Tài nguyên mà Môi trường (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4, Điều 6 Thông tư 33/2017) quy định về việc thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận. Thông tin ghi trên giấy chứng nhận bao gồm: Cá nhân trong nước thì ghi "Ông" (hoặc "Bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú.
Việc thay đổi số CMND/CCCD không làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất và không bắt buộc người sử dụng đất phải cập nhật thay đổi. Tuy nhiên, để tránh gặp rủi ro trong các giao dịch mua bán sau này, người dân có thể cân nhắc việc đổi lại thông tin cho khớp với số thẻ CCCD gắn chip.