6545 lượt xem

Nhạc sĩ Trần Tiến mắc ung thư giai đoạn 4

Tác giả 'Mặt trời bé con' đang mắc ung thư vòm họng ở giai đoạn cuối.

Thông tin được NSND Trần Hiếu xác nhận trên Vietnamnet. "Tôi cũng không nhớ thời điểm phát hiện bệnh của Trần Tiến là khi nào, già rồi lúc nhớ lúc quên. Nhưng tôi đang lo lắng. Các bác sĩ nói Trần Tiến bị ung thư vòm họng ở giai đoạn 4 rồi", NSND Trần Hiếu chia sẻ.

Nhạc sĩ Trần Tiến

Nhạc sĩ Trần Tiến, sinh năm 1947, ở Hà Nội. Lớn lên trong những ngày đất nước chiến tranh, ông nói mình không có tuổi thơ.

Năm 16 tuổi, nhạc sĩ Trần Tiến làm hậu đài cho đoàn Ca Múa Hà Nội. Sau một năm tự học, năm 17 tuổi trở thành nghệ sĩ đơn ca của Đoàn và đi biểu diễn ở vùng tuyến lửa như Quảng Bình, Vĩnh Linh. Các bài hát Thanh niên ra tiền tuyến, Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp ra đời trong thời gian này và đã đoạt Giải A cuộc thi "Tiếng hát át tiếng bom" do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức.

Thời gian sau, ông đi chiến trường Lào và đi biên giới phía Bắc, vừa sáng tác vừa biểu diễn. Trần Tiến viết ca khúc đều đặn. Xuất thân là ca sĩ chuyển sang sáng tác, Trần Tiến có lợi thế trong việc tự biểu diễn giới thiệu các tác phẩm của mình một cách sâu sắc, biểu đạt được tận cùng cảm xúc của người viết. Vì vậy, Trần Tiến đã được rộng rãi công chúng yêu mến.

Một loạt các bài hát của ông đã gây ân tượng mạnh mẽ về một bút pháp có phong cách riêng: Cô gái Sầm Nưa xinh đẹp, Những đôi mắt mang hình viên đạn, Giai điệu Tổ quốc, Điệp khúc tình yêu, Mùa xuân gọi, Nếu bạn tìm tới Lê nin – Hồ Chí Minh, Vết chân tròn trên cát, Thành phố trẻ, Mặt trời bé con, Con chim sẻ tóc xù, Ngẫu hứng sông Hồng, Chiếc vòng cầu hôn, Ngọn lửa cao nguyên, Tiếng trống pa-ra-nưng, Tạm biệt chim én, Tùy hứng "Lý qua cầu", Cô bé vô tư, Sao em nỡ vội lấy chồng, Tóc gió thôi bay...

Người yêu nhạc vẫn thân mật gọi Trần Tiến là nhạc sĩ du ca. Trần Tiến cũng chia sẻ rằng ông là người thích sự xê dịch, đi đến đâu thì sáng tác đến đó, viết và hát. Bởi vậy, những chuyến đi như hình thành nên tính cách, con người và âm nhạc của ông. Người nghe nhạc của ông sẽ không thể biết nhạc sĩ ấy sẽ còn đi về đâu và đưa người nghe tới đâu. Bởi lẽ dù viết về nơi nào, ca từ của ông cũng vừa hừng hực, lãng đãng, vừa chất chứa niềm rung động rất riêng.

Nhạc Trần Tiến rất chân thực, đời thường nhưng sâu sắc, nhiều ý nghĩa và giàu tính nhân văn. Đó là chắt chiu từ những vui buồn của những mảnh đời ông gặp trên mọi ngả đường. Ông tâm sự: "Âm nhạc với tôi, lúc đầu là một nghề để kiếm sống. Làm riết rồi thành nghiệp, đến bây giờ bỏ không được nữa".

Trần Tiến viết nhiều và viết nhanh. Thương hiệu của Trần Tiến là ngẫu hứng. Ông ghét sự điệu đà, khó hiểu cũng như dị ứng với tất cả những gì không phải là mình. Tuổi thơ vất vả, sự nếm trải cuộc đời đã mang đến cho Trần Tiến cái nhìn đa chiều về cuộc sống. Và khi trở thành nhạc sĩ, ông tình nguyện gắn bó số phận nhạc sĩ của mình với những số phận cùng khổ trong xã hội.

Trong cuộc đời âm nhạc của mình, Trần Tiến đã nhận được rất nhiều giải thưởng âm nhạc: Năm 1979, 10 bài hát được quần chúng ưa thích trong năm do báo "Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh" bình chọn. Năm 1992, Giải bài hát hay nhất hai năm 1992-1993 do Đài Truyền hình Việt Nam bình chọn (bài Chiếc vòng cầu hôn). Năm 1990, Giải thưởng Trung ương Đoàn về đề tài Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (bài Sao em nỡ vội lấy chồng).

Năm 1975-1985, danh hiệu "Nhạc sĩ yêu thích nhất 10 năm sau ngày giải phóng" do báo Tuổi trẻ và Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức bình chọn. Ngoài ra, Trần Tiến còn viết phần âm nhạc cho một số bộ phim truyện và phim tài liệu như: Rừng lạnh, Vị đắng tình yêu, Tóc gió thôi bay… Đã xuất bản Tuyển chọn ca khúc Trần Tiến (1996), Album Sao em lỡ vội lấy chồng (1996)

Qúa tuổi thất thập, nhạc sĩ Trần Tiến vẫn trẻ trung và phong độ với quần jean lửng, áo thun mỗi khi đi dạo biển cùng vợ. Khi rảnh rỗi, ông thường tự mình lái ô tô đưa vợ đi ăn chiều hay dạo biển, thăm các tịnh xá, thiền viện ở Vũng Tàu để nghe tiếng chuông gió.

Nguồn http://giadinh.net.vn/giai-tri/nhac-si-tran-tien-mac-ung-thu-gian-doan-4-20201001204145358.htm