Cơ quan chức năng đã lập đoàn kiểm tra để xem xét đề xuất đóng dải phân cách giữa tuyến Quốc lộ 1 ở Quảng Nam nhằm hạn chế xe né phí.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, vừa qua Công ty CP Xây dựng công trình 545 (gọi tắt là Công ty 545) đã có công văn gửi các cơ quan chức năng về việc xin đóng dải phân cách giữa tại Km944+250 trên Quốc lộ 1 để hạn chế tình trạng xe né trạm BOT của doanh nghiệp.
Khu quản lý đường bộ III và lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam kiểm tra hôm 19-1
Mới đây, hôm 19-1, Khu quản lý đường bộ III (đơn vị quản lý tuyến Quốc lộ 1 qua Quảng Nam) đã tổ chức đoàn đi kiểm tra thực tế tại hiện trường, làm việc với Công ty 545, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam và đại diện chính quyền địa phương để giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp.
Ô tô, xe tải, xe khách lưu thông tới trước trạm BOT thì rẽ vào đường nhánh khiến nhà đầu tư không khỏi nóng mặt
Tại buổi làm việc, đại diện doanh nghiệp đề xuất 3 phương án. Thứ nhất, đóng dải phân cách giữa tại điểm nêu trên, mở một điểm dải phân cách giữa cách đó hơn 200 m. Thứ hai, đóng dải phân cách giữa tại điểm nêu trên nhưng chừa lại khoảng 2 m để xe máy có thể qua lại. Thứ 3, đóng dải phân cách giữa đoạn nêu trên, không mở điểm giải phân cách giữa cách 200 m như phương án 1.
Ông Thân Hóa, Giám đốc Công ty 545, đề nghị có giải pháp can thiệt để hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp
Ông Thân Hóa, Giám đốc Công ty 545, cho biết doanh nghiệp đầu tư cả ngàn tỉ đồng để thực hiện dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 nhưng chứng kiến tình trạng phương tiện lưu thông tới trước trạm thu phí thì nối đuôi nhau rẽ vào khu dân cư để né phí khiến chủ đầu tư không khỏi lo âu.
Theo ông Hóa, trước đây, mỗi ngày trạm thu được 600-700 triệu đồng nhưng thời gian gần đây chỉ còn khoảng 150 triệu đồng/ngày. Ông Hóa đề nghị cơ quan chức năng và địa phương nghiên cứu, làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và chủ đầu tư.
Cơ quan chức năng tổ chức cuộc họp hôm 19-1 để xem xét kiến nghị của Công ty 545
Ông Hóa cho biết do hợp đồng BOT của doanh nghiệp là hợp đồng điều chỉnh tăng giảm. Khi lượng xe tăng lên, doanh số tăng thì năm thu phí giảm xuống và ngược lại. Trước đây, phụ lục hợp đồng thu phí trong 13 năm nhưng do doanh thu thấp nên vừa qua phải điều chỉnh tăng lên 27 năm, hợp đồng đến năm 2042.
Giám đốc Công ty 545 cho biết công ty đã miễn 100% phí qua trạm đối với ô tô của người dân ở 3 phường quanh trạm là Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung và Điện Thắng Nam (thị xã Điện Bàn) nên việc đóng dải phân cách giữa ở điểm trên không ảnh hưởng người dân địa phương.
Tại buổi họp, đại diện lãnh đạo Ban An toàn giao thông và Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Nam cùng chung quan điểm cần thiết đóng dải phân cách giữa tại Km944+250 theo đề xuất của Công ty 545.
Họ nhìn nhận tình trạng từng đoàn xe kéo nhau né trạm, đi vào khu dân cư đường chật hẹp, mất an toàn giao thông, có nguy cơ gây tai nạn, khiến đường xuống cấp, ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương…
Nhiều ô tô rẽ vào khu dân cư, không đi qua trạm thu phí
Trong khi đó, đại diện chính quyền địa phương nơi có trạm thu phí BOT là ông Nguyễn Văn Hạnh, cán bộ địa chính xây dựng phường Điện Thắng Trung và ông Đặng Hiệp Lực, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng thị xã Điện Bàn thì cho rằng nút giao thông trên đã có từ rất lâu, là nơi lưu thông qua lại thuận lợi đối với người dân địa phương, nếu đóng lại sẽ ảnh hưởng đến người dân.
Ông Hạnh và ông Lực cùng cho biết xung quanh trạm có rất nhiều đường để các phương tiện lưu thông né phí, vậy nên cần xem xét việc đóng dải phân cách ở đây có giải quyết được tình trạng né trạm hay không. Ông Hạnh đề nghị cần phải tham khảo, lấy ý kiến dân cư, cử tri xung quanh trạm để tạo sự đồng thuận.
Ông Tiết Đình Quang, đại diện Khu quản lý đường bộ III phát biểu tại cuộc họp
Ông Hà Phước Lộc, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng công trình – Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, đề nghị Công ty 545 lập phương án tổ chức giao thông, gửi cơ quan chức năng xem xét; về phía Khu Quản lý đường bộ III cần lập hồ sơ khảo sát các phương án, xem xét đóng điểm này xe có thể né chỗ khác hay không, cần thiết lấy ý kiến người dân và chính quyền địa phương.
Ông Tiết Đình Quang, Phó trưởng Phòng Thanh tra - An toàn Khu Quản lý đường bộ III, cho rằng việc đóng mở giải phân cách tại Km944+250 phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.
Ông Quang cho biết sẽ tiếp thu tất cả ý kiến, sau đó báo cáo Tổng Cục đường bộ Việt Nam để giải quyết. Nhưng về quan điểm cá nhân, ông Quang cho rằng chỗ này rất mất an toàn.
"Tham gia giao thông mà mất an toàn là không được. Không thể vì thuận lợi cho anh gây ảnh hưởng cho người khác, cho xã hội. Giải pháp đóng lại hay mở, tôi sẽ tham mưu, báo cáo Tổng Cục đường Bộ Việt Nam" - ông Quang nói.
Trần Thương - Báo Người Lao Động