• Trang chủ
  • Xã Hội
  • Chuyện “Như chưa hề có cuộc chia ly” phiên bản quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng
1323 lượt xem

Chuyện “Như chưa hề có cuộc chia ly” phiên bản quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng

Chúng tôi tìm về nhà ông Phan Văn Sung (ông Hai) tại thôn Thi Lai, xã Duy trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam trong một ngày trưa “đỗ lửa” của cái nóng Miền Trung, với sự giúp đỡ nhiệt tình của một người phụ nữ, chị cũng chính là đầu mối giúp chúng tôi tìm ra nhân vật trong câu chuyện ẩn chứa nhiều cảm xúc, nước mắt, niềm vui và hạnh phúc cho một cuộc hội ngộ sau 50 năm.

 

Tại đây chúng tôi gặp ông Hai, người đàn ông vừa bước qua tuổi 80 nhưng vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. Hôm nay ông không đi đâu, ông mặc bộ đồ tươm tất, pha sẵn ấm trà và chờ đợi, ông cứ đi ra, đi vào, hồi hộp vì được thông báo, hôm nay có người sẽ đến tìm gặp ông vì việc gì đó quan trọng.

 

Khi chúng tôi đến, ông và người con trai đang dọn dẹp bàn thờ, ông nói chuẩn bị cho ngày giỗ mẹ ông và cô Sáu sau đây vài bữa. Lấy lý do đám giỗ, chúng tôi hỏi ông về cô Sáu, ông kể liên hồi, nào là “con Sáu ngày xưa nó đẹp lắm nhưng nhà nghèo nên vất vả, nó đi làm thuê, rồi mất tích năm 1970, gia đình tìm và chờ hoài thông tin nhưng không có, nghĩ chiến tranh nó đã chết nên gia đình đã lập bàn thờ và lấy ngày giỗ của mẹ là ngày giỗ của con Sáu”.

Ảnh: Ông Hai và cô Sáu gặp nhau sau 50 năm tưởng như cô Sáu đã chết.

Câu chuyện về “con Sáu” cứ thế cứ thế tuôn ra, và khi cảm xúc lên đến “cao trào”, tôi nhẹ nhàng nói “cô Sáu còn sống ông ạ, tuần sau cô sẽ về”, hai hàng nước mắt ông chực trào ra, nghẹn ngào, run rẩy như không tin được những gì mình nghe thấy. Và rồi, câu chuyện cô Sáu còn sống lan nhanh, những người bà con, hàng xóm cứ nườm nượp kéo đến nhà ông Hai. Bà Năm, em ruột ông Hai lấy chồng về bên kia sông, khi hay tin cô Sáu còn sống, bà đã giục đứa cháu phải chở cho thật thanh, băng qua con sông đã cạn nước vì khô hạn để đến cho kịp. Mọi người vây lấy chúng tôi và đặt ra những câu hỏi liên hồi để chắc chắn rằng, câu chuyện “con Sáu” còn sống không phải là câu chuyện đùa. Chúng tôi không muốn chia sẻ quá nhiều điều về cô Sáu để dành tất cả cho ngày hội ngộ. Chúng tôi ra về cùng lời hứa mọi người sẽ gặp lại cô Sáu trong thời gian sớm nhất, sự hụt hẫng hiện lên trên những khuôn mặt gầy gò, hốc hác vì sương gió của những người nông dân. Câu cuối chúng tôi được nghe khi bước lên xe là “phiên bản như chưa hề có cuộc chia ly của quê mình là đây”, lòng thầm cười, hơn ai hết chúng tôi cũng rất mong muốn cái ngày đó, cái ngày hội ngộ của chị em cô Sáu …

 

Chuyện đời đẫm nước mắt của cô Sáu

 

Chiến tranh ác liệt vào cuối những năm 60 của Thế kỷ trước ở vùng quê, khi địch liên tục càn quét giết chết nhiều người, mẹ cô Sáu đã đưa các con ra Thị xã Đà Nẵng lúc bấy giờ để mưu sinh, và gia đình cô sống nhờ vào việc buôn bán ở chợ Hàn. Ở lứa tuổi dậy thì, cô Sáu xinh đẹp, giỏi giang, vì nhà nghèo cô phải đi làm thuê cho nhà người ta. Cô mong muốn được học nghề thuốc nên đi tìm thầy để học, rồi cô quen anh, một người tên Dũng, hơn cô vài tuổi. Khi tình yêu giữa họ đơm hoa, anh mới cho cô biết công việc của anh là hoạt động cách mạng nên cứ lúc ẩn lúc hiện, đi đi về về trong đêm, cô nói ngày đó anh có uy lắm, được nhiều người yêu quý và tôn trọng… Khi cô có thai, anh đưa cô về vùng quê ở huyện Quảng Điền, đây là quê của anh và rồi, trong một trận đánh lớn ở quê, cô không bao giờ thấy anh trở lại. Cô đi về phía Nam, sinh con mà không có người thân bên cạnh, cô nói ngày đó vất vả vô cùng, cuộc sống mưu sinh của cô nay đây, mai đó chỉ dừng lại khi cô đến mảnh đất Sóc Trăng, nơi trở thành quê hương thứ hai của cô. Câu chuyện về Dũng, người chồng, người cha của con cô đã trở thành ẩn số. Ông còn sống hay đã chết? nếu còn sống giờ ông đang ở đâu? Đó chính là câu hỏi luôn đặt ra trong đầu của chị Nhung, người con gái đầu của cô Sáu.

 

Vì nhân dân phục vụ

 

Những năm gần đây, sức khỏe cô Sáu không được tốt, mong muốn tìm về quê hương, gặp lại anh chị cứ trỗi dậy trong cô, cứ ngày đêm cô khóc. Vì tuổi đã cao, thời gian lại dài, cô Sáu không thể nhớ được những thông tin về gia đình, mỗi lần cô nhớ ra được chi tiết nào đều được người cháu ngoại của cô Sáu là Hồng Gấm ghi lại, và thông tin cũng chỉ gói gọn lại là gia đình từng bán tại chợ Hàn Đà Nẵng, tên của ba mẹ, anh Hai và chị Năm. Gia đình đã lên kế hoạch nhiều lần sẽ ra Đà Nẵng để đi tìm lại gia đình cho ngoại nhưng thấy không khả thi nên rồi thôi.

 

Rồi Hồng Gấm tìm đến chúng tôi qua mạng xã hội, câu chuyện của cô Sáu qua những lời kể của em đã hối thúc chúng tôi phải cố gắng tìm cho ra anh chị em của cô Sáu vì sức khỏe của cô không được tốt. Với những thông tin ít ỏi được cung cấp, thời gian lại trước khi đất nước được thống nhất, tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng ngày ấy giờ đã là tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng nên việc tìm thông tin hết sức khó khăn. Những chi tiết nhỏ của cô đều được kiểm tra trong tàng thư lưu trữ của Công an TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam nhưng không có, việc tìm và gặp những người buôn bán tại chợ Hàn trước đây cũng không thành công vì đa phần những người bán cách đây 50 năm đã không còn ai buôn bán ở đó, việc tìm kiếm thông tin tại những con hẻm đường Hoàng Diệu nơi gia đình cô sinh sống trước đây cũng không mang lại kết quả. Và rồi, sau 2 tuần tìm kiếm, những nỗ lực cũng được đền đáp khi chúng tôi tìm ra manh mối. Chiến tranh kết thúc, các anh chị em của cô đã chuyển về sinh sống tại Thôn Thi Lai, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

 

Kế hoạch được thay đổi

 

Những tưởng cuộc hội ngộ đã rất gần, nhưng rồi, sức khỏe cô Sáu có những chuyển biến không được tốt, từ khi biết tìm được anh chị em ngày nào cô cũng khóc, cảm giác vài ngày nữa sao mà nó dài hơn cả 50 năm qua. Lo cho sức khỏe của cô không thể đảm bảo khi phải di chuyển đoạn đường dài từ Sóc Trăng về Quảng Nam. Kế hoạch thay đổi, ông Hai, bà Năm sẽ vào Sóc Trăng để hội ngộ.

 

Thật tiếc là chúng tôi không thể chứng kiến được cái giây phút hội ngộ đầy hạnh phúc trong nước mắt đó, nhưng từ sâu trong tâm khảm chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc và chúng tôi vui mừng khi đã giúp chị em cô đoàn tụ.

Nhiệm vụ đã hoàn thành!