• Trang chủ
  • Thời Tiết
  • Áp thấp nhiệt đới vào biển đông có khả năng mạnh lên thành bão
1669 lượt xem

Áp thấp nhiệt đới vào biển đông có khả năng mạnh lên thành bão

Ngày 5/10, vùng thấp đã vào Biển Đông. Dự báo có thể mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới trong 12 giờ tới và có thể thành bão trong 24-48 giờ tới.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia (Trung tâm KTTVQG), lúc 13 giờ ngày 5-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,3-12,3 độ Vĩ Bắc; 117,5-118,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 410km về phía đông.

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 13 giờ ngày 7-10, vị trí tâm bão ở ngay trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Áp thấp vào Biển Đông, trong 24-48 giờ tới có thể mạnh thành bão - ảnh 1
Vùng áp thấp được dự báo có khả năng mạnh lên thành bão trong những ngày tới. Ảnh: VNDMS

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 12-24 giờ tới (gió mạnh trên cấp  6, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 112,5 đến 118,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm KTTVQG), cho biết, cùng với hoạt động của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành bão, thì vào khoảng ngày 10 và 11-10, một đợt không khí lạnh mạnh có khả năng ảnh hưởng đến nước ta.

Theo đó, đợt không khí lạnh mạnh có khả năng tương tác với cơn bão/ATNĐ nên dự báo diễn biến của bão/ATNĐ trên Biển Đông trong những ngày tới sẽ rất phức tạp.

Do ảnh hưởng của vùng áp thấp, từ đêm nay, trên khu vực giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động mạnh.

Khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động mạnh; khu vực nam Biển Đông có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, sóng biển cao từ 1,5-2,5m, biển động. 

Trên đất liền, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 9-12 độ Vĩ Bắc có xu hướng nâng trục lên phía bắc nối với một vùng áp thấp ở khu vực giữa Biển Đông có khả năng mạnh lên thành ATNĐ, nhiễu động trong đới gió Đông trên cao tiếp tục duy trì.

Do vậy  từ nay đến ngày 8-10, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông với tổng lượng mưa tại khu vực từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm, tại khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định phổ biến từ 150-300mm, có nơi trên 350mm.

Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới phân tích trên kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh dần nên từ nay đến ngày 7-10 ở khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ tiếp tục có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa 40-70mm/24 giờ, có nơi trên 100mm/24 giờ (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm).

Nguồn https://plo.vn/thoi-su/ap-thap-vao-bien-dong-trong-2448-gio-toi-co-the-manh-thanh-bao-1019796.html