Hàng loạt vụ án mạng do người tâm thần gây ra ở Hà Tĩnh khiến người dân nơm nớp lo lắng. Quản lý người tâm thần thế nào cho hiệu quả để giảm bớt tổn thương với gia đình và cộng đồng?
Án mạng từ những người tâm thần lang thang
Thời gian qua trên địa bàn Hà Tĩnh xảy ra nhiều vụ án mạng đau lòng liên quan đến người bị tâm thần khiến người dân hết sức lo lắng. Đặc biệt gần đây là 2 trường hợp ở huyện Hương Sơn gây rúng động dư luận.
Người dân xã Sơn Ninh bàng hoàng khi cháu bé 8 tuổi bị sát hại dã man với nhiều nhát chém trên cơ thể. |
Phải mất rất nhiều thời gian, người dân xã Tân Dân (huyện Đức Thọ) mới nguôi bớt nỗi ám ảnh về vụ án mạng xảy ra ngày 19/5/2021. Khoảng 17h45, ông Nguyễn Văn Th. (SN 1972, trú thôn Đồng Hòa xã Đức Lập cũ, nay là xã Tân Dân, huyện Đức Thọ) đang ngồi trên xe lăn hóng mát ở ngoài đường thì ông Nguyễn Viết Luyến (SN 1973, trú cùng thôn) từ trong nhà đi ra, trên tay cầm một con dao. Khi gặp ông Th, ông Luyến đã chém nhiều nhát vào đầu và cổ khiến nạn nhân tử vong. Sau khi gây án, hung thủ bỏ trốn khỏi hiện trường.
Bước đầu cơ quan chức năng xác định, đối tượng bị rối loạn tâm thần, hàng tháng sử dụng thuốc tại trạm y tế của địa phương nên có bệnh án tâm thần. Tại thời điểm gây án, ông Luyến không có năng lực hành vi dân sự.
Mỗi khi phát bệnh, ông này thường cầm dao đuổi chém các thành viên trong gia đình, vì thế vợ ông phải mang theo con cái về sống với bố mẹ đẻ. Hàng xóm láng giềng thấy ông Luyến cũng né tránh từ xa, nơm nớp lo sợ khi con trẻ ở nhà một mình.
Một vụ án mạng chấn động khác do người tâm thần gây ra ngày 23/10/2021 tại huyện Cẩm Xuyên khiến người dân địa phương xót xa cho cả nạn nhân và cả đối tượng gây án.
Vào khoảng 17h15 ngày 23/10/2021, ông Bùi Quang Lý (SN 1975, trú tại thị trấn Cẩm Xuyên) đang điều khiển xe đạp trên đường Phạm Lê Đức (thuộc tổ dân phố 14, thị trấn Cẩm Xuyên) để về nhà thì xe bị tuột xích nên ngồi xuống nghỉ bên vệ đường.
Lúc này, ông Đặng Đình T. (SN 1980, cùng trú tại TDP 14, thị trấn Cẩm Xuyên) đang ngồi trong quán nước gần đó, tiến lại nói chuyện. Được một lúc thì giữa 2 người xảy ra xích mích, dẫn đến cãi cọ nên ông T. cầm cổ áo xô ông Lý ngã xuống đường. Do đã có sẵn hơi men, ông Lý dùng dao sắc nhọn mang theo đâm liên tục vào người ông T. khiến người này tử vong do bị mất máu cấp.
Được biết, ông Lý là người tàn tật, tay bị khèo, chân đi cà nhắc, có biểu hiện không bình thường nên vợ bỏ nhà đi từ lâu.
Hàng xóm, mẹ đẻ trở thành nạn nhân
Chỉ 2 ngày sau đó, một cháu bé 8 tuổi (trú ở thôn Trung Thị, xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn) cũng bị sát hại dã man liên quan đến một người có biểu hiện không bình thường sống tại địa phương.
Do có mâu thuẫn với gia đình nạn nhân, Hà Trọng Quyết đã ra tay sát hại cháu Hà Trọng Đạt (8 tuổi) để trả thù. |
Theo hồ sơ vụ án, vào lúc 17h ngày 25/10/2021, em Hà Thị D. (SN 2008, học lớp 8 Trường THCS Nguyễn Khắc Viện) đi học về thì phát hiện em trai là Hà Trọng Đạt (8 tuổi, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Sơn Ninh) nằm gục trước thềm nhà nên gọi người đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi. Kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi xác định cháu Hà Trọng Đạt tử vong do đa chấn thương, vỡ hộp sọ, trên người có nhiều thương tích.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Hà Tĩnh đã xác định hung thủ là Hà Trọng Quyết (SN 1993, trú cùng thôn) nên đã khởi tố, bắt giam về tội “Giết người”. Hà Trọng Quyết là đối tượng không bình thường, rất nhiều lần đe dọa và gây gổ với hàng xóm láng giềng.
Gần đây nhất là trường hợp một người phụ nữ ở xã Sơn Long (huyện Hương Sơn) bị sát hại, nhiều bộ phận cơ thể bị cắt lìa. Vụ án gây chấn động cả vùng quê yên bình. Đáng tiếc hơn, nghi phạm chính là người con gái ruột bị bệnh tâm thần của nạn nhân.
Theo thông tin ban đầu, vào khoảng 11h trưa 26/3/2022, hàng xóm phát hiện bà Lê Thị Hương (SN 1957, trú tại thôn 4 xã Sơn Long, huyện Hương Sơn) tử vong trong căn nhà khóa chặt cửa, trên người có nhiều vết chém, một số bộ phận đã lìa khỏi cơ thể.
Con gái bà Hương là Phạm Thị Hiền (SN 1979, bị bệnh tâm thần) nằm cách thi thể vài mét, miệng lẩm bẩm điều gì đó không rõ.
Phạm Thị Hiền cùng mẹ là bà Lê Thị Hương trong một lần được đưa đi chữa bệnh. |
Tại cơ quan điều tra, Phạm Thị Hiền khai nhận do xin mẹ chiếc vòng đang đeo trên cổ nhưng mẹ không cho nên đã ra tay sát hại.
Trao đổi với PV Infonet, ông Phạm Bình Luận, Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết: “Chị Hiền là con gái duy nhất của bà Hương, lấy chồng ở xã Sơn Trà, vợ chồng có 5 người con. Trước đây chị Hiền bình thường, sống hiền lành với mọi người, từ khi cháu thứ 2 qua đời do đuối nước thì chị mới bị phát bệnh”.
Quản lý người tâm thần: Bài toán khó!
Nói về việc quản lý những người bị bệnh tâm thần, người có biểu hiện ngáo đá, loạn thần, ông Luận chia sẻ: “Trên địa bàn xã hiện có một gia đình 3 người đều bị tâm thần. Khi thời tiết thay đổi thì người con là Nguyễn Quốc H. (SN 1974) thường cầm gậy, cầm dao đi ra ngoài đường. Mặc dù chưa gây ra vụ việc gì đáng tiếc nhưng rất nguy hiểm, khiến người dân luôn nơm nớp lo sợ.
Địa phương đã giao cho công an lập danh sách, phối hợp gia đình và thôn xóm để tăng cường công tác quản lý. Trước đây, những đối tượng có hành động nguy hiểm thì bắt buộc đưa đi trại, nhưng giờ đưa đi thì nhiều trường hợp phải mất phí nên gặp nhiều khó khăn”.
Ông Nguyễn Thành Lê, Phó Trưởng phòng Lao động TB&XH huyện Hương Sơn cho hay, trước đây theo Quyết định 90/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, những đối tượng gây nguy hiểm cho cộng đồng và xã hội thì gia đình và địa phương làm hồ sơ, thông qua huyện gửi vào Trung tâm điều trị tập trung ít nhất là 3 tháng, giờ quyết định đó hết hiệu lực rồi.
Theo ông Lê, hiện nay những đối tượng bảo trợ xã hội phải thực hiện theo Nghị định 20/2021 của Chính phủ, những trường hợp đủ điều kiện thì được đưa đi điều trị, còn không thì gia đình phải tự nguyện mỗi tháng đóng nộp từ 3,5 - 4 triệu đồng.
“Trước mắt huyện đang giao trách nhiệm cho các phòng, ban, địa phương quản lý những đối tượng này. Hiện đang chờ tỉnh cho chủ trương thay thế Quyết định 90/2014, huyện chưa có cách nào cả”, ông Lê nói.
Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định:
Điều 5. Đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng
4. Người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợi đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất quy định tại khoản 2 Điều này (sau đây gọi chung là người đơn thân nghèo đang nuôi con).
5. Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định sau đây:
a) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;
b) Người cao tuổi từ đủ 75 tuổi đến 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc diện quy định ở điểm a khoản này đang sống tại địa bản các xã, thôn vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn;
c) Người từ đủ 80 tuổi trở lên không thuộc diện quy định tại điểm a khoản này mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng.
d) Người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở trợ giúp xã hội nhưng có người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng.
6. Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật.
7. Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 3 và 6 Điều này đang sống tại địa bản các xã, thôn vùng đồng bảo dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.
8. Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng.
Trần Hoàn - Infonet