4122 lượt xem

Sẽ xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Công ty Giày Rieker

Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, Công ty Giày Rieker không tuân thủ thực hiện các quy định phòng, chống dịch theo Phương án 115/PA/BCĐ của UBND tỉnh Quảng Nam là vi phạm cần xử lý.

Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, Công ty Giày Rieker không tuân thủ thực hiện các quy định phòng, chống dịch theo Phương án 115/PA/BCĐ của UBND tỉnh Quảng Nam là vi phạm cần xử lý.

Sẽ xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Công ty Giày Rieker
Công ty Giày Rieker có trụ sở tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc, Quảng Nam.

Vi phạm cần phải xử lý

Ngày 17/9, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký Công văn số 6266 về việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Công ty Giày Rieker (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc).

Nội dung công văn nêu rõ, sau khi xem xét báo cáo kiểm tra về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Công ty Giày Rieker của Sở Công Thương, UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo cụ thể.

UBND tỉnh giao Thanh tra Sở Y tế căn cứ kết quả kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Công ty Giày Rieker của Đoàn công tác để thực hiện xử phạt vi phạm theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Đồng thời báo cáo kết quả cho UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Sở Công Thương có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các hồ sơ, tài liệu liên quan cho Thanh tra Sở Y tế để hoàn chỉnh hồ sơ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, UBND tỉnh đề nghị Công ty Giày Rieker chịu trách nhiệm chấp hành nghiêm quyết định xử phạt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Sẽ xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Công ty Giày Rieker
Công văn của UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Công ty Giày Rieker.

Trước đó vào ngày 8/9, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam đã ghi nhận một ca mắc Covid-19 tại Công ty Giày Rieker. Ngày 11/9, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 của công ty này.

Kết quả cho thấy, công ty có nhiều lỗ hổng trong công tác phòng, chống dịch khi không thực hiện xét nghiệm đối với 20% người lao động đang làm việc. Công ty Giày Rieker chưa xây dựng phương án tạm dừng hoạt động theo Quy định Phương án 115/PA/BCĐ của UBND tỉnh Quảng Nam về phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các Khu công nghiệp và Cụm công nghiệp.

Theo ông Đặng Bá Dự, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam, Công ty Giày Rieker không tuân thủ thực hiện các quy định phòng, chống dịch theo Phương án 115/PA/BCĐ là vi phạm cần xử lý. Sau đó Sở Công Thương đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty Giày Rieker.

Ông Nguyễn Ngọ, Trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc cho rằng hầu hết các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đều làm tốt công tác xét nghiệm định kỳ, chỉ riêng Công ty Giày Rieker là không tổ chức xét nghiệm cho người lao động.

Ông Ngọ lý giải nguyên nhân công ty này không xét nghiệm sàng lọc người lao động có thể do đông công nhân (hơn 10.000 người), dẫn đến chi phí xét nghiệm cao. Hiện tại bình quân chi phí xét nghiệm là 100 nghìn đồng/người.

Sẽ xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Công ty Giày Rieker
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm đối với công nhân Công ty Giày Rieker.

77 ca mắc Covid-19 liên quan Công ty Giày Rieker

Ngày 18/9, Sở Y tế Quảng Nam thông tin, sau 10 ngày kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên tại Công ty Giày Rieker đến nay đã phát hiện 77 ca dương tính Covid-19 liên quan doanh nghiệp này. Trong đó thị xã Điện Bàn có 73 ca, TP. Hội An 3 ca, huyện Duy Xuyên 1 ca. Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc ghi nhận 5 công ty có người lao động mắc Covid-19 gồm: Công ty Việt Vương 2, Công ty Bao bì Tấn Đạt, Công ty Thép Hùng Vĩ, Công ty Nguồn Lực, Công ty Pepsico.

Sẽ xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Công ty Giày Rieker
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm những người dân ở thị xã Điện Bàn, Quảng Nam.

Công ty Giày Rieker có hơn 10.000 công nhân, qua sàng lọc, xét nghiệm đã phát hiện hơn 20 công nhân mắc Covid-19. UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu dừng hoạt động 2 xưởng A và B của công ty này.

Tại Công ty May Việt Vương 2, sau khi ghi nhận 8 công nhân mắc Covid-19, tỉnh Quảng Nam cũng đã yêu cầu tạm dừng hoạt động phân xưởng 1 trong vòng 14 ngày.

Sẽ xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Công ty Giày Rieker
Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam phối hợp với thị xã Điện Bàn tổ chức xét nghiệm diện rộng tại các xã, phường có người nhiễm Covid-19.

Theo UBND thị xã Điện Bàn, Quảng Nam hiện địa phương đang áp dụng biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch. Các doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô dưới 200 lao động chỉ được vận hành tối đa 70% nhân lực. Với công ty quy mô trên 200 lao động chỉ được vận hành tối đa 50% nhân lực để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch có hiệu quả.

Hiện Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam phối hợp với thị xã Điện Bàn tổ chức xét nghiệm diện rộng tại các xã, phường có người nhiễm Covid-19, nhất là các địa bàn có khu trọ công nhân và các trường học có học sinh dương tính.

Sở Y tế cũng đề nghị các trung tâm y tế tập huấn, hướng dẫn người dân, người lao động tại cơ sở sản xuất, khu công nghiệp tự lấy mẫu xét nghiệm có sự giám sát của nhân viên y tế để chuẩn bị sẵn sàng khi trường hợp dịch bệnh lây lan, bùng phát.

Phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các cụm, khu công nghiệp

Ngày 21/8/2021, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Phương án 115/PA/BCĐ về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài khu, cụm công nghiệp có quy mô từ 500 người trở lên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam phải thường xuyên rà soát, đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19, theo Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động; đăng ký truy cập trên Bản đồ an toàn Covid-19 về đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 của các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Các doanh nghiệp cần xây dựng các phương án “2 tại chỗ”, “3 tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến” đảm bảo phòng, chống khi có dịch bệnh xảy ra tại các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, các đơn vị phải định kỳ xét nghiệm tối thiểu 5 - 7 ngày/lần cho toàn bộ người lao động ở các bộ phận thường xuyên có nguy cơ cao, tiếp xúc với bên ngoài (các nhà quản lý, chuyên gia, tổ trưởng tổ sản xuất, quản đốc phân xưởng, lãnh đạo công ty; tiếp nhận hàng, nguyên vật liệu; tiếp phẩm; xuất hàng hóa; lái xe...); xét nghiệm tối thiểu 20%-50% tổng số người lao động tại cơ sở sản xuất kinh doanh của mình, toàn bộ kinh phí xét nghiệm do đơn vị tự chi trả.

Cùng với đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh phải triển khai, thành lập các Tổ an toàn phòng, chống dịch Covid-19, trong mỗi phân xưởng/bộ phận sản xuất phải có ít nhất 1 tổ để nắm bắt thông tin, tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra, giám sát người lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 bằng hệ thống camera giám sát; xây dựng chương trình quản lý; quán triệt người lao động về nghỉ cuối ngày, cuối tuần tại địa phương hạn chế giao lưu, tiếp xúc, thực hiện nghiêm 5K, “một cung đường hai điểm đến” trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, các cơ sở sản xuất kinh doanh phải tăng cường cảnh giác các tình huống dịch bệnh, kịp thời phát hiện các trường hợp người lao động có triệu chứng bất thường về sức khỏe, báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để có biện pháp xử lý, ứng phó kịp thời. Ngoài ra, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp có quy mô trên 500 lao động phải ký cam kết thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 với Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp.

Đối với trường hợp khi có dịch xảy ra tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thì phải kích hoạt ngay các phương án phòng, chống dịch Covid-19; phong tỏa tạm thời toàn bộ cơ sở sản xuất kinh doanh hoặc từng phân xưởng/dây chuyền sản xuất/tổ sản xuất/khu vực sản xuất/vị trí làm việc có trường hợp mắc bệnh (F0) phù hợp với hình thực tế.

Cùng với đó, cần phải cách ly trường hợp F0 tại chỗ ngay tại cơ sở sản xuất kinh doanh và thông báo cho cơ quan y tế để đưa đi điều trị và thực hiện khoanh vùng truy vết, khử khuẩn theo quy định...

Thực hiện tốt phương án phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp, Khu kinh tế đảm bảo vệ sinh khử khuẩn tại các cơ sở sản xuất kinh doanh có trường hợp mắc bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Hằng ngày, thực hiện tuyên truyền,nhắc nhở, kiểm tra, giám sát người lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; cảnh giác, kịp thời phát hiện các trường hợp có bất thường về sức khỏe, báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19...

Bên cạnh đó, các sở, ban, ngành của tỉnh phải tăng cường phối hợp giám sát, đôn đốc các cơ sở sản xuất kinh doanh triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo phương án của UBND tỉnh ban hành và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực sẵn sàng vận chuyển người lao động từ các cơ sở sản xuất kinh doanh về tại các khu cách ly tập trung, hỗ trợ thiết lập các đường dây nóng, vệ sinh môi trường,...

Nguồn https://cuocsongantoan.vn/se-xu-ly-vi-pham-trong-cong-tac-phong-chong-dich-covid-19-tai-cong-ty-giay-rieker-71588.html?fbclid=IwAR3Rr8dMHj7LBVR-UdrQcFxE6bWvZMM5zcbrMGwENESGixiK261hw8dv9VY