• Trang chủ
  • Xã Hội
  • Những trải lòng của người dân xứ Quảng khi đi vào thành phố Đà Nẵng
2009 lượt xem

Những trải lòng của người dân xứ Quảng khi đi vào thành phố Đà Nẵng

'Mưu sinh ở Đà Nẵng hơn 20 năm, chưa bao giờ tui phải xa thành phố này lâu tới vậy. Cũng là chuỗi ngày tui chật vật với gánh nặng áo cơm. Giờ được ra lại thuận tiện hơn, cả nhà mừng suốt mấy ngày nay', chị Lương Thị Hoa (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) trải lòng.

Biển người từ Quảng Nam đổ ra Đà Nẵng sau khi thành phố chỉ yêu cầu khai báo y tế và xuất trình giấy tờ tùy thân khi qua chốt. Ảnh: Thanh Trần

Nỗi mừng vui ấy cũng là của hàng ngàn người dân Quảng Nam khi mấy hôm nay, Đà Nẵng bỏ xuất trình giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 để vào thành phố. Những đoàn người xứ Quảng nối nhau ra Đà Nẵng từ tinh mơ…

Tuy nhiên, việc này cũng dẫn đến tình trạng không đảm bảo quy định 5K và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Niềm vui trở lại

Chốt kiểm soát dịch đặt tại Trạm CSGT Cửa ô Hòa Phước (huyện Hòa Vang) 4 giờ sáng đã đông người. Những chiếc xe máy cà tàng chở rau, cá, bánh, mì… nối nhau tấp vào khu khai báo y tế. Mấy tháng qua, những người buôn bán nhỏ lẻ này thất nghiệp vì không thể ra Đà Nẵng buôn bán mỗi ngày. Nay thành phố chỉ yêu cầu khai báo y tế và giấy tờ tùy thân khi qua chốt, họ đã dậy thật sớm, háo hức lao vào cuộc mưu sinh.

Chị Đoàn Thị Đào (47 tuổi, xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam) chất đầy một xe rau, củ thẳng tiến ra Đà Nẵng. Tới chỗ khai báo, chị không biết khai báo qua điện thoại thông minh, đành xin một tờ khai rồi đặt trên mặt ghế lần từng dòng một điền thông tin. Lọ mọ mãi vẫn không xong, chị “cầu cứu”: “Chỉ giúp tui với, lỡ tui ghi sai họ bắt tui quay đầu về lại khổ”.

Chị kể thêm, nghe tin Đà Nẵng cho ra lại dễ dàng, chị mừng quá gom hàng liền trong ngày, gà gáy là cắm đầu chạy, chẳng nghĩ gì chuyện phải khai trình khi qua chốt. Sáu năm qua, chị không đếm nổi đã chạy bao nhiêu chuyến xe ra chợ Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) buôn bán để gồng gánh gia đình. “Vậy mà đùng một cái Đà Nẵng “ai ở đâu ở yên đấy”, dịch dai dẳng khiến tui không buôn bán chi được, cực ơi là cực. Chỉ mong từ giờ trở đi, đường ra Đà Nẵng suôn sẻ”, chị nói.

Xe mì Quảng trên đường Trần Cao Vân của chị Lương Thị Hoa (làng Phú Chiêm, xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) cũng đã có mặt sau mấy tháng trời chịu cứng ở nhà. “Mưu sinh ở Đà Nẵng hơn 20 năm, chưa bao giờ tui phải xa thành phố này lâu tới vậy. Cũng là chuỗi ngày tui chật vật với gánh nặng áo cơm. Giờ được ra lại thuận tiện hơn, cả nhà mừng suốt mấy ngày nay”, chị trải lòng. Phú Chiêm quê chị được mệnh danh là làng mì Quảng “có chân”, bởi gần cả trăm nồi mì Quảng bao năm qua theo xe ra Đà Nẵng, tỏa đi bán khắp phố phường.

Đi vào thành phố ảnh 1

Biển người từ Quảng Nam đổ ra Đà Nẵng sau khi thành phố chỉ yêu cầu khai báo y tế và xuất trình giấy tờ tùy thân khi qua chốt. Ảnh: Thanh Trần

Có đại gia đình cả chục người bán mì ở Đà Nẵng, áo cơm cậy nhờ thực khách nơi đây. Thế rồi dịch căng thẳng, không ra buôn bán và đi về hàng ngày được, làng mì buồn hiu. Khi Đà Nẵng “mở cửa” với yêu cầu trình giấy xét nghiệm, cả làng cũng không dám đi nhiều vì cứ ba ngày lại phải mất tiền trăm cho việc “ngoáy mũi”. Những trụ cột trong nhà chạy đôn chạy đáo kiếm việc, vẫn chẳng đủ đắp đổi qua ngày. Chị Hoa ví von, mấy tháng đó cả làng như bị gãy chân, ngồi y một chỗ. Giờ tới ngày “tháo bột”, bà con ai cũng rộn ràng vì được đi làm, có đồng ra đồng vào.

Trời càng về sáng, dòng người đổ về chốt kiểm soát càng đông hơn. Ngoài những xe máy chất đầy hàng hóa, thì giữa biển người ken đặc ấy là công nhân, lao động tự do... Tôi đưa máy ảnh lên chụp, ai cũng nheo đôi mắt cười trên viền chiếc khẩu trang kín mít. Niềm vui được vào thành phố, niềm vui được đi làm, niềm vui vì bớt thủ tục đi lại…Thật giản đơn. Anh Nguyễn Tuấn (huyện Duy Xuyên), làm thợ cơ khí tại quận Cẩm Lệ nhẩm tính, từ nay mỗi ngày đỡ thêm được mấy chục ngàn khi Đà Nẵng bỏ yêu cầu xét nghiệm âm tính trong 72 giờ. “Mỗi tháng đỡ mất tiền triệu xét nghiệm, với dân lao động tụi tui chừng đó tiền to bự”, anh thật thà.

Nối những ân tình

Không chỉ trong ngày đầu bỏ bớt thủ tục, bà con xứ Quảng ùn ùn đổ ra Đà Nẵng mà những ngày này, chốt kiểm soát vào thành phố vẫn rền một biển người. Cán bộ trực chốt tại Trạm kiểm soát dịch Cửa ô Hòa Phước nói rằng những người không có việc thiết yếu, nhưng nhiều tháng cách trở chồn chân, nay cũng hòa trong dòng người đi vào thành phố. Họ ra thăm nhà, thăm người thân, đi giải quyết giấy tờ…

Bà Ngô Thị Tính (huyện Thăng Bình) khăn gói áo quần, quà cáp ra nhà con gái ở quận Cẩm Lệ. Bà kể hồi trước tháng vài lần bà đón xe buýt ra thăm con, thăm cháu, có khi vài ngày ra một lần để trông cháu cho con đi làm. Từ lúc dịch căng thẳng, khu chung cư con bà ở lại có ca nhiễm nên bà chẳng dám ra.

Bà tâm tình: “Nhớ con nhớ cháu lắm, cách có mấy chục cây số mà 3 tháng trời không thấy mặt, quay quắt luôn. Hôm trước mấy bà hàng xóm mở điện thoại lên thấy Đà Nẵng cho vô dễ hơn rồi, rứa là tui soạn đồ đi liền”. Cùng đi với bà là những bà mẹ khác, trên tay lỉnh kỉnh con gà, mớ rau, chục trứng... mang cho cháu con.

Đi vào thành phố ảnh 2

Những người buôn bán nhỏ lẻ ra Đà Nẵng từ khi trời còn chưa sáng. Ảnh: Thanh Trần

Vào Đà Nẵng, với người Quảng Nam không chỉ đơn thuần là vào một địa phương khác, mà là tới với người anh em ruột thịt của mình. (Quảng Nam - Đà Nẵng một khúc ca), dù đã chia tách hơn 20 năm nhưng “tách tỉnh mà không tách tình”. Với thế hệ đầu bạc, được tới lui hai tỉnh thành thuận tiện trong thời buổi “bình thường mới” khiến họ ấm lòng, bởi bao lâu nay, họ vẫn coi Quảng Nam, Đà Nẵng là một mái nhà.

Đi vào thành phố ảnh 3

Anh Huỳnh Anh Tuấn (xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn) đã soạn lại hàng mì Quảng trên đường Phạm Hùng (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) sau nhiều tháng trời. Ảnh: Thanh Trần

Giữa tháng 10, thành phố bên sông Hàn đã là “thành phố xanh” bởi toàn địa bàn không có ca mắc trong cộng đồng 14 ngày liên tiếp, không có khu vực phong tỏa. Mảnh đất mà bao người ngóng trông được quay lại đã ở trạng thái khá an toàn. Những lo toan ra thành phố “lỡ có chuyện gì” hay bị cách ly, phong tỏa…tạm thời gác lại.

Anh Dương Hữu Lộc (huyện Đại Lộc) vội vàng dọn dẹp lại căn phòng trọ, mua sắm thêm đồ đạc để ít hôm nữa, vợ anh sẽ ra sinh và “lót ổ” tại đây. Anh thủ thỉ: “Hai vợ chồng cứ phân vân không biết làm sao khi sinh nở mà vợ một nơi chồng một nẻo. Cùng về quê thì chồng không có việc. Cùng ở lại thì sợ dịch dã, bất tiện đủ đường. May quá Đà Nẵng giờ phường nào cũng vùng xanh, cho qua lại Quảng Nam thuận tiện nên vợ chồng mình quyết ở lại đây”.

Từ ngày 12/10, người dân đang sinh sống tại TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam phải thường xuyên đi lại giữa hai địa phương, khi đến/về Đà Nẵng không yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2. Chỉ cần có giấy tờ tùy thân chứng minh là công dân một trong hai địa phương này. Hoặc giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị, tổ chức, chính quyền địa phương xác nhận thường xuyên đi lại giữa 2 địa phương. Với quy định này, công dân hai tỉnh thành qua lại dễ dàng hơn do trước đó tỉnh Quảng Nam cũng cho phép người dân từ vùng xanh Đà Nẵng vào không cần xét nghiệm.

Thanh Trần/Báo Tiền Phong

Nguồn https://tienphong.vn/di-vao-thanh-pho-post1385463.tpo